1. Vận chuyển đúng cách
- Khi di chuyển tủ đông trên xe, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác bạn không để tủ nghiêng quá 45 độ để giảm trường hợp hư hỏng do di chuyển.
- Sau khi di chuyển đến chỗ đặt thì nên để tủ ổn định 30 phút đến 1 tiếng trước khi ghim điện (không ghim điện ngay khi vừa di chuyển xong).
- Sau khi cúp điện nguồn, ít nhất 5 phút sau mới được bật lại. Việc rút điện tủ đông và cắm vào sử dụng lại trong thời gian quá ngắn sẽ gây tổn hại tới thiết bị.
2. Lưu ý về điện và vị trí đặt
- Sử dụng ổ cắm điện có thể chịu dòng điện từ 10A trở lên và không dùng chung ổ cắm với các thiết bị điện khác.
- Để đảm bảo an toàn, không nên đặt bộ ổn áp, nồi cơm điện, lò vi sóng và các thiết bị khác trên tủ đông, ngoại trừ các thiết bị được khuyến cáo bởi nhà sản xuất.
- Bạn cũng không nên che chắn xung quanh tủ, đồng thởi phải duy trì khả năng thông gió tốt.
3. Quá trình lưu trữ thực phẩm
Tủ đông thông thường là sản phẩm dùng cho gia đình và chỉ thích hợp để trữ thực phẩm. Không sử dụng tủ cho các mục đích khác, chẳng hạn như bảo quản máu, thuốc hoặc các sản phẩm sinh học...
Đặt tủ tại khu vực lạnh nhất trong phòng, tránh xa các thiết bị sinh nhiệt, dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Hãy để thực phẩm nóng nguội đến mức nhiệt độ phòng trước khi cho vào tủ.
Khi để thực phẩm vào đông lạnh nên bọc ngoài túi nilon để hạn chế thực phẩm dính vào tủ, trong trường hợp thực phẩm bị dính chặt vào tủ, bạn không nên lấy vật nhọn xỉa vào hay thổi hơi nóng (máy sấy) vào thực phẩm có thể sẽ làm hư hại dàn lạnh, hư hại tủ. Trong trường hợp này bạn nên rã đông tủ để lấy thực phẩm ra.
Không nên xếp thực phẩm quá chật chội bên trong tủ, vì lúc này hơi lạnh khó tìm được kẽ hở để tuần hoàn bên trong tủ, dẫn đến làm lạnh kém và gây đông không đều.
4. Cách vệ sinh và rã đông
Vệ sinh
Phải rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm điện trước khi vệ sinh tủ đông. Bụi bám sau tủ đông và trên mặt đất phải được làm sạch đúng lúc để cải thiện hiệu quả làm lạnh và tiết kiệm năng lượng. Bên trong tủ đông phải được làm sạch thường xuyên để tránh mùi hôi.
Nên dùng khăn mềm hoặc bọt biển nhúng nước và chất tẩy rửa trung tính chống ăn mòn để vệ sinh. Cuối cùng, phải làm sạch tủ bằng nước sạch và giẻ khô. Mở cửa để làm khô tự nhiên trước khi bật nguồn điện.
Rã đông thủ công
Tủ đông phải được rã đông thủ công để máy làm việc hiệu quả và tiết kiệm điện. Cách rã đông này như sau:
- Rút phích cắm tủ và mở cửa, bỏ thực phẩm và ngăn chứa ra khỏi tủ trước khi rã đông.
- Mở lỗ thoát và lỗ xả, băng trong tủ sẽ tan tự nhiên, lau sạch nước tan ra bằng giẻ khô, mềm. Khi băng mềm, có thể dùng dụng cụ nạo băng để tăng tốc quá trình làm tan băng.
- Trong trường hợp có hư hại, hay tháo lắp, hãy gọi cho dịch vụ bảo hành hoặc nhà phân phối nơi bạn mua hàng để được xử lý.
5. Mẹo tiết kiệm điện
- Không mở cửa tủ quá thường xuyên, đặc biệt khi thời tiết nóng và ẩm. Một khi bạn đã mở cửa thì cố gắng đóng lại càng sớm, để tránh gây mất hơi lạnh và lãng phí điện năng.
- Lớp tuyết sẽ giảm hiệu suất làm mát và làm tủ tiêu thụ điện năng nhiều, vì vậy khi lớp tuyết dày 3-5 mm thì tiến hành rã đông.
- Không nên lót thùng chứa của tủ bằng màng nhôm, giấy nến hoặc khăn giấy. Lớp lót sẽ cản trở quá trình lưu thông không khí lạnh, làm giảm hiệu suất của thiết bị.